Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Mẹ con NSƯT Lệ Thủy làm việc thiện đầu năm

Thành công từ liveshow "Bước chân hai thế hệ", ca sĩ Đình Trí quyết định tái diễn chương trình, để quyên tiền hỗ trợ bệnh nhân nghèo TP HCM.

Con trai NSƯT Lệ Thủy háo hức cho biết, đến nay số tiền đóng góp về quỹ của Chi hội Thiện Nhân đã được trên 2 tỷ đồng. Số tiền tổng cộng sẽ công bố trong đêm diễn, 6/1/2010 tại Nhà hát TP HCM.

Liveshow "Bước chân 2 thế hệ" của mẹ con NSƯT Lệ Thủy nhận được sự yêu mến
từ đông đảo khán giả.
Ảnh do nhân vật cung cấp.

"Tôi thấy vinh dự khi được Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM tin tưởng giao thực hiện trọng trách kêu gọi tấm lòng của các doanh nghiệp và cá nhân. Điều này như càng nhân lên niềm vui có được sau thành công của liveshow trong tháng 6 và 12. Bằng mọi cố gắng của mình, tôi muốn đêm diễn từ thiện này thu hút được thật nhiều sự đóng góp để giúp người nghèo vui xuân", Đình Trí cho biết.

"Bước chân 2 thế hệ" do chính Đình Trí lên ý tưởng và dàn dựng. Ở đêm diễn sắp tới, chương trình được rút gọn lại trong 2 tiếng đồng hồ, gồm 11 tiết mục ca nhạc và một trích đoạn cải lương để lên sóng truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

Đông đảo nghệ sĩ sẽ tham gia chương trình, trong đó có NSƯT Lệ Thủy, Minh Vương, Thoại Mỹ, ca sĩ Quang Linh, Quang Hà, Lâm Vũ, Chương Đan, diễn viên Lương Thế Thành, Phi Thanh Vân, Đức Tiến, Hiếu Hiền... và Hoa vương Ngô Tiến Đoàn.

Năm 2010, Đình Trí cho biết, sẽ tiếp tục tự lên ý tưởng và dàn dựng thêm nhiều liveshow và tổ chức ở khắp các tỉnh thành Nam bộ.

Khai mạc Lễ hội hoa 2010: Lung linh sắc hoa Hà Nội

Tối qua, Lễ hội hoa chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã khai mạc tại sân khấu khu tượng đài Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hà Nội bắt đầu mưa nhẹ từ sáng 29-12 nên hoa trang trí suốt dọc đường Đinh Tiên Hoàng đã phô hết vẻ tươi tắn, rực rỡ.

Bà Trần Thùy Chi, Giám đốc Công ty Cổ phần Âm nhạc và Giải trí DC, thành viên ban tổ chức, cho biết có hàng trăm ngàn cành hoa được tập hợp từ các miền đất nước để trang trí cho lễ hội hoa năm nay. “Lo lắng lớn nhất của ban tổ chức vẫn là ý thức của người dân. Từ khi tiến hành chuẩn bị đến nay, mọi việc được sự tạo điều kiện tối đa của UBND TP nên diễn ra rất suôn sẻ. Tôi hy vọng sẽ có sự góp sức của người dân trong việc bảo vệ hoa suốt bốn ngày lễ hội” - bà Chi bày tỏ.

Theo ghi nhận của phóng viên, công tác bảo vệ an ninh trật tự của lễ hội hoa năm nay chặt chẽ hơn so với năm 2008. Dọc các đại cảnh hoa trên đường Đinh Tiên Hoàng, trung bình 5 m lại có một nhân viên an ninh hoặc thanh niên tình nguyện đứng nhắc nhở người xem không chen lấn, xô đẩy vào bụi, luống hoa.


Hoa tuy lip Hà Lan khiến người Hà Nội ngỡ ngàng.
Ảnh: Pháp Luật TPHCM

Điểm nhấn thu hút nhiều du khách năm nay là hơn 9.000 chậu hoa tuylip được Đại sứ quán Hà Lan tặng lễ hội. Nghệ nhân hoa Nguyễn Mạnh Hùng cho biết từ hai tháng trước, củ hoa tuylip đã được nước bạn chuyển về Hà Nội và được các chuyên gia của Công ty Đà Lạt HAS FAML ươm trồng tại Đà Lạt. Kỹ thuật ươm trồng của các nghệ nhân cộng với thời tiết se lạnh của miền Bắc trong ngày khai hội đã khiến cho nhiều người Hà Nội trầm trồ trước vẻ đẹp của loài hoa lạ.

Ba sản phẩm được Trung tâm Sách kỷ lục VN xác nhận đạt kỷ lục VN đã kịp có mặt trong lễ khai hội: Chiếc áo dài bằng hoa dài nhất, tác phẩm mô phỏng Chiếu dời đô lớn nhất và bình hoa sen bằng mây tre lớn nhất. Nhiều người dân sống lâu năm ở Hà Nội đã bồi hồi trước nét cổ kính của mô hình cầu Long Biên, toa tàu điện cổ được dựng lại ngay tại Bờ Hồ - một trong những bến đỗ của tàu điện ngày xưa.

Hôm nay, dự kiến lễ hội sẽ thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan và đón giao thừa tết Dương lịch. Cũng trong ngày hôm nay, chương trình thi cắm hoa nghệ thuật, nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống, lễ hội áo dài sẽ diễn ra trên nền phố hoa.

Với chủ đề Đà Lạt - thành phố ngàn hoa, Lễ hội hoa Đà Lạt 2010 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4-1-2010 sẽ có sáu không gian tràn ngập hoa.

Dải phân cách của con đường dài khoảng 25 km từ sân bay Liên Khương đến chân đèo Prenn đều được trồng hoa đỏ rực. Không gian hoa thứ hai tại khu Công viên Xuân Hương và hai con đường Trần Quốc Toản, Hồ Tùng Mậu ngập màu hoa mai anh đào. Phố hoa Lê Đại Hành với hoa mai anh đào chủ đạo. Dọc theo bờ hồ Xuân Hương từ chùa Quan Thế Âm đến cầu Sắt cùng hai không gian hoa còn lại là biệt thự Trần Hưng Đạo và ốc đảo Bích Câu với những tác phẩm nghệ thuật về hoa và cây cảnh của các nghệ nhân Đà Lạt. Lễ hội hoa gồm ba nhóm chương trình chính: Hoa Đà Lạt, Văn hóa - Thể thao và chương trình hưởng ứng với nhiều hoạt động: thi cắm hoa, phiên chợ hoa, đua xe đạp đôi, lễ hội rượu vang, thi leo núi, đêm ca nhạc...

Bút tích của vua Lê Lợi dưới lòng hồ sông Đà được chuyển về nơi an toàn

Ngày 29/12, Ban quản lý công trình thủy điện Sơn La phối hợp với Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương đã tổ chức vận chuyển an toàn tấm bia khắc bài thơ trấn ải của vua Lê Lợi trên đá núi bên bờ sông Đà về nơi an toàn.

Tấm bia này là một trong những di sản văn hóa quan trọng nhất cần di dời để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La.

Để thực hiện dự án này, hàng chục công nhân của công ty vốn là thợ đá lành nghề ở làng đá Ninh Vân (Hoa Lư - Ninh Bình) đã phải cần mẫn làm việc trong gần 2 tháng, cắt tỉa từ khối đá khổng lồ ven bờ sông Đà thuộc địa phận xã Lê Lợi (huyện Sìn Hồ - Lai Châu), tách ra được phiến đá nặng 15 tấn mang trong lòng bút tích của nhà vua.

Sau đó đơn vị thi công đã dùng máy cẩu và xe vận tải hạng nặng vận chuyển về khu vực UBND xã Lê Lợi cách đó gần 10 km để bảo quản, chuẩn bị lắp đặt sau khi hoàn thành Đền thờ Lê Lợi trong bước tiếp theo.

Lịch sử của tấm bia trên đã được ghi nhận rằng, tháng 1 năm 1432, Lê Lợi đem quân đi chinh phạt Đèo Cát Hãn vốn là một tù trưởng ở vùng này dấy binh làm phản theo 2 đường thủy - bộ. Dẹp yên vùng phên dậu của tổ quốc, người Anh hùng dân tộc đã dùng gươm khắc chữ đề thơ vào đá núi ven bờ sông Đà để răn đe những kẻ có mưu đồ làm phản, đồng thời cũng để khẳng định chủ quyền của tổ quốc tại nơi biên ải này.

Nghĩa của tấm bia được dịch như sau: “Di dịch là mối lo ở biên thùy, từ xưa vẫn có rợ Hung Nô ở đời Hán, rợ Đột Quyết ở đời Đường/ Các quan vùng Mường Lễ phía Tây nước Việt ta là như vậy/ Vừa rồi vì nhà Trần, nhà Hồ suy vi, kẻ bầy tôi nơi phên dậu sinh ngạo ngược/ Cát Hãn nhờn theo lối cũ giữ vững không chừa/ Ta nay đem quân tới đánh, đường bộ- đường thủy cùng tiến một trận dẹp ngay/ Nhân làm một bài thơ Luật cho khắc vào đá để răn các tù trưởng man không theo Đức hóa ở thời sau.

Thơ rằng:

Bọn giặc cuồng sao dám trốn tránh, tội đáng giết./Dân ngoại biên đã từ lâu đợi ta đến cứu sống./Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có. /Đất đai hiểm trở từ nay không còn./Hình bóng cỏ cây và tiếng gió thổi, hạc kêu cũng làm quân giặc kinh sợ./Non sông này nhập vào một bản đồ, đề thơ khắc lên đá núi./Chắn giữ phía Tây nước Việt ta. /Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi (tức tháng 1 năm 1432)”

Phiến đá mang trong lòng bài thơ của vua Lê Lợi được tách ra có kích thước cao 2,2 - 2,3 m, rộng 2,8 m và dày 1,15 m, có trọng lượng trên 15 tấn.

Ông Trần Văn Khanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương là người trực tiếp thực hiện dự án này cho biết: hạng mục di chuyển và làm nhà che bia Lê Lợi nằm trong Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lòng hồ Thủy điện Sơn La. Hạng mục trên có tổng kinh phí 720 triệu đồng, bắt đầu công tác động thổ, khoan cắt tấm bia từ ngày 2/11/2009.

Theo phương án ban đầu, việc khoan cắt và di dời tấm bia sẽ tổ chức đồng thời cùng việc xây dựng Đền thờ Lê Lợi cách vị trí cũ khoảng 500 m, cao hơn 150 m. Trong đó Đền thờ vua Lê có kiến trúc truyền thống bằng vật liệu gỗ, mái lợp ngói mũi hài gồm: khu đền chính, nhà bia, nhà thủ từ, sân đại lễ, bãi đỗ xe ... trên mặt bằng 3.000 - 4.000 m2.

Tuy nhiên do công tác làm thủ tục xin cấp đất triển khai chậm, nên hạng mục này phải tách làm 2 phần: phần di dời về nơi bảo quản và phần xây dựng Đền thờ, lắp đặt cố định. Dự kiến sau một năm nữa mới thực hiện được.

Sau gần 2 tháng thực hiện, đến đúng 18h ngày 29/12/2009, bút tích của nhà vua Lê Lợi đã được di chuyển đến nơi an toàn trong sự mong đợi của đồng bào xã Lê Lợi. Những tấm bảo vệ mặt bia đóng kín suốt thời gian qua được mở ra trước sự chứng kiến của đại điện Ban quản lý công trình Thủy điện Sơn La, nhà thầu và chính quyền địa phương cho thấy: toàn khối đá và phần mặt bia vẫn được giữ nguyên vẹn, không bị nứt nẻ, bút tích vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu.

Việc di dời thành công bia Lê Lợi là một hạng mục quan trọng, đảm bảo cho công trình Thủy điện Sơn La thực hiện đúng tiến độ tích nước vào tháng 5 và phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010.

Những chuyện đình đám trong làng phim Việt 2009

v
Vụ kiện tác quyền phim "Biệt động Sài Gòn" không có hồi kết, ngừng sản xuất "Những người độc thân vui vẻ"... là những điểm nhấn của đời sống phim ảnh Việt năm qua.

"Những người độc thân không... vui vẻ"


"Những người độc thân..." không còn
vui vẻ.

Tháng 6/2009, sự kiện ngừng sản xuất bộ phim sitcom "Những người độc thân vui vẻ" của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam đã khiến dư luận bất ngờ. Lần đầu tiên người trong cuộc đã lên tiếng thừa nhận chất lượng đi xuống của bộ phim và đưa ra lý do dừng dự án.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án phim "Những người độc thân vui vẻ" với kịch bản Trung Quốc được Việt hoá sẽ kéo dài trong 2 năm (từ 14/2/2008-14/2/2010) với 250 tập phim nhưng cuối cùng "Những người độc thân vui vẻ" đã chọn cách dừng lại ở tập 171 và "khai tử" dự án trước cả nửa năm. Đây cũng là dự án phim đầu tiên "nửa đường đứt gánh" vì bài toán chất lượng và uy tín khiến dư luận ngỡ ngàng.

Thất bại của "Những người độc thân vui vẻ" có thể coi là cuộc thử nghiệm không thành với thể loại phim sitcom cũng như các kịch bản phim Việt hoá. Phim ăn khách ở trời Tây không có nghĩa sẽ hợp khẩu vị với người Việt!

Rắc rối quanh kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn"


Hai ông lão và cuộc tranh chấp chưa có
hồi kết.

Tranh chấp tác quyền kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn" giữa hai ông Nguyễn Thanh và Lê Phương tiếp tục tiếp diễn tại toà án nhưng vẫn chưa đến hồi kết. Rất nhiều phiên toà đã bị hoãn, rồi được mở lại, từ sơ thẩm đến phúc thẩm khiến cả những người liên quan và báo giới mệt mỏi.

Số tiền mà ông Nguyễn Thanh, nguyên đơn, đòi bị đơn là ông Lê Phương phải đền bù tăng lên theo cấp số nhân ở mỗi phiên toà. Nếu như tại phiên tòa mở hôm 27/3/2009, con số đó mới chỉ dừng lại ở 15 tỉ đồng thì tới phiên xử sơ thẩm ngày 11/5 tại Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội, số tiền tác quyền mà ông Nguyễn Thanh đòi đền bù đã lên đến 74 tỉ đồng!?

Kết thúc phiên xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP.HN đã bác các yêu cầu của ông Nguyễn Thanh do không có chứng cứ thuyết phục và tuyên bố kịch bản phim "Những thiên thần ra trận" sau khi được dựng thành phim "Biệt động Sài Gòn" là của hai tác giả Nguyễn Thanh và Lê Phương. Do vậy số tiền nhuận bút phải được chia đôi. Theo đó, ông Lê Phương phải trả ông Nguyễn Thanh số tiền 9.072.000 đồng chứ không phải 74 tỉ đồng như tính toán của nguyên đơn.

Ngày 2/11, Tòa Phúc thẩm - Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử công khai vụ kiện tác quyền kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn" và kết luận Tòa Sơ thẩm chưa điều tra kỹ để làm rõ các nội dung cần thiết, đưa ra kết luận chưa thỏa đáng nên Tòa Phúc thẩm cũng không có cơ sở để xét xử. Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng đã tuyên bố hủy bản án sơ thẩm, chuyển vụ kiện cho Tòa Sơ thẩm điều tra lại từ đầu.

Phim Việt gây chú ý trên trường quốc tế


Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và hai diễn
viên chính: Phạm Linh Đan, Đỗ Hải Yến
trong buổi họp báo giới thiệu phim
"Chơi vơi" tại LHP Venice 2009.

2009 đánh dấu sự thành công của một loạt bộ phim Việt Nam trên trường quốc tế như Chơi vơi, Đừng đốt, Trăng nơi đáy giếng.

2009 có thể coi là năm của "Chơi vơi" không chỉ bởi bộ phim này được giới truyền thông P.R vô tư mà còn bởi những chuyến xuất ngoại liên miên của nó tại hầu hết các LHP danh tiếng trên thế giới.

"Chơi vơi" đánh dấu sự hội nhập của phim Việt trong những sân chơi điện ảnh cao cấp của thế giới là các liên hoan phim lớn khi trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên chính thức được mời tham dự LHP Venice danh giá.

Mặc dù không được chọn vào vòng tranh giải Sư tử vàng nhưng chỉ riêng sự có mặt của "Chơi vơi" tại hạng mục Orizzonti dành cho các tác phẩm điện ảnh đương đại ở Venice 2009 và giành giải FIPRESCI HORIZONS AND CRITICS’ WEEK PRIZE của Hiệp hội các nhà phê bình quốc tế FIPRESCI cho thấy tiếng vang của bộ phim nói riêng và phim Việt nói chung trên trường quốc tế.


Cảnh trong phim "Đừng đốt".

Một bộ phim khác cũng được nhắc đến rất nhiều là "hiện tượng" Đừng đốt. Bộ phim này không chỉ giành giải Bông sen vàng 2009 mà còn được chọn là đại diện cho Việt Nam đi dự tranh đề cử Oscar 2010, hạng mục Phim nước ngoài hay nhất. Trước đó, Đừng đốt cũng đã giành giải Khán giả bình chọn tại LHP Fukuoka Nhật Bản, tham dự LHP Pusan và gần đây nhất là châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Bông sen bạc "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng được chọn vào vòng tranh giải chính thức tại LHP quốc tế Pháp ngữ, tranh giải hạng mục dành cho các phim Đông Nam Á tại LHP Băng Cốc, tham dự LHP châu Á - Thái Bình Dương và nhiều LHP khác nữa.

"Cánh diều vàng" lao đao vì nhà đài


Cánh diều vàng vất vả tìm chỗ đáp.

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có những chuyện "ly kỳ" như lễ trao giải Cánh diều vàng 2009 vừa qua. Kế hoạch thay đổi như chong chóng, địa điểm lễ trao giải liên tục bị di dời.

Ban đầu Lễ trao giải Cánh diều vàng 2009 dự định tổ chức vào 14/3 nhưng do "đụng" lịch phát sóng một chương trình khác của VTV nên đành phải chuyển sang 1/3 để tranh thủ lên truyền hình trực tiếp.

Do không có thời gian để chuẩn bị và ứng phó kịp với những thay đổi về thời gian và địa điểm tổ chức nên ê kíp thực hiện lễ trao giải Cánh diều cũng hoàn toàn bị động, thậm chí còn không có thời gian tổng duyệt trên sân khấu. Ê kíp thực hiện lễ trao giải Cánh diều vàng chỉ được tiếp quản Cung văn hoá hữu nghị Việt - Xô từ sáng sớm ngày 1/3 (do tối 28/2 có một sự kiện khác diễn ra tại đây) nên chỉ còn chưa đầy 24 giờ đồng hồ để chuẩn bị cho lễ trao giải.

Phim truyền hình được mùa kiện tụng


Ca sĩ Chương Đan và đạo diễn Hồng Ngân

Mọi rắc rối đều bắt nguồn từ bộ phim truyền hình "Cô nàng bất đắc dĩ". Mở màn là chuyện một cô ca sĩ diễn viên vô danh đòi đạo diễn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại về kinh tế cho mình vì đã xúc phạm mình trong quá trình tham gia bộ phim.

Sau vụ ầm ĩ trên báo chí giữa ca sĩ Chương Đan và đạo diễn Hồng Ngân, nữ đạo diễn sau đó cũng rút lui khỏi dự án phim "Cô nàng bất đắc dĩ" khi phim mới đi được tới tập 30. Rắc rối chưa hết khi vài nhân vật bị thay vai, phó đạo diễn, tổ hoá trang, tổ phục trang... đều bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn không kèn không trống.

Tranh chấp và xung đột về quyền lợi xung quanh các thành phần tham gia bộ phim "Cô nàng bất đắc dĩ" chưa dừng lại ở đó khi hồ sơ vụ kiện được đệ lên Toà án Nhân dân Quận I vào ngày 26/8/2009. Vụ kiện chưa có hồi kết nhưng cho thấy những lỗ hổng trong hợp đồng ký kết giữa đơn vị sản xuất và các thành phần trong đoàn làm phim.

Những ngôi sao "đến" và "đi"


Châu Tấn ở Nhà hát Lớn HN.

Năm 2009, bên cạnh sự xuất hiện của hàng loạt ca sĩ nổi tiếng thế giới tại Việt Nam với nhiều vai trò khác nhau như: Ronan Keating, Brian McFadden, Lenka, ban nhạc Air Supply, hai diễn viên nổi tiếng của màn ảnh hoa ngữ và thế giới là Châu Tấn và Thành Long cũng đã có những chuyến đi bất ngờ đến Việt Nam.

Mặc dù đến Hà Nội để thực hiện bộ ảnh quảng cáo mới cho một nhãn hiệu túi xách nhưng sự xuất hiện của Châu Tấn hồi tháng 7 tại Hà Nội vẫn khiến nhiều người bất ngờ và háo hức.

Trong khi đó, ngôi sao võ thuật Thành Long trở lại Việt Nam lần thứ hai với vai trò Đại sứ Nụ cười của tổ chức Opration Smile toàn cầu nhân kỷ niệm 20 năm thành lập của tổ chức Phẫu thuật nụ cười Việt Nam.


NSƯT Phương Thanh (phải) trong Tội lỗi
cuối cùng

Và xin khép lại cho bài tổng kết này bằng một dấu lặng. NSƯT Phương Thanh, nữ diễn viên tài sắc của điện ảnh Việt Nam đột ngột ra đi chiều 13/2/2009.

Ngôi sao nổi tiếng với nhân vật "Hiền cá sấu" trong "Tội lỗi cuối cùng" vĩnh viễn ra đi ở tuổi 53, để lại những khoảng trống khó lấp đầy với bạn bè, người thân và những người hâm mộ các vai diễn của chị.

(Hạnh Phương, VietNamNet)

Hát nhép, bị phạt tiền!


Con đường tình ta đi - một trong những show ca nhạc không cho phép ca sĩ nhép - Ảnh: TNO
Từng có Quyết định 47 của Bộ VH-TT (2004) nghiêm cấm ca sĩ hát nhép, rồi Nghị định (NĐ) số 11 (2006) cũng đề cập vấn đề này, và nay là NĐ 103 (thay thế NĐ 11 hết hiệu lực vào 31.12.2009). Liệu lần này có cấm được không hay chỉ dấy lên theo thời sự rồi lại chìm... mất tăm?

Xin được... hát thật

Khi nhắc lại tệ hát nhép, và việc NĐ mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2010, nhiều ca sĩ tỏ ra bức xúc vô cùng, vì tại sao chuyện này cứ phải cấm đi cấm lại, nhắc đi nhắc lại mãi, mà thực thi thì chẳng đến đâu. "Đã cấm thì phải làm cho tới, cho triệt để, chứ nói cấm rồi thôi thì thà đừng cấm. Theo tôi, những buổi diễn ngoài trời mà thời tiết quá xấu, ảnh hưởng đường truyền (khi truyền hình trực tiếp), khi đó mới cần đến việc hát nhép, chứ nếu biểu diễn cho khán giả xem, có bán vé thì tuyệt đối phải hát thật. Không hiểu sao nhiều chương trình truyền hình trực tiếp lâu nay (kể cả ở sân khấu trong nhà) lại được phép cho ca sĩ hát nhép", ca sĩ Ánh Tuyết bày tỏ.

Cấm hát nhép là câu chuyện quá cũ, thậm chí quá nhàm, khi đã từ rất lâu rồi, khán giả tức giận phản ứng, báo chí phản ánh, người làm nghề đúng nghĩa càng bức xúc, nhưng đến nay thì thật giả vẫn lẫn lộn, hát sống - hát nhép vẫn... sống chung cùng showbiz.

Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty HT Production, quản lý ca sĩ Đan Trường (người từng tuyên bố

"Hành vi dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng hát thật của người biểu diễn sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng"

Trích dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

và treo giải 50 triệu cho bất cứ ai phát hiện Đan Trường hát nhép) cho biết: "Nhiều chương trình - có truyền hình trực tiếp, chúng tôi phải xin được hát thật, có khi phải năn nỉ nữa". Nhưng thường thì, trong một chương trình đã cho ca sĩ hát nhép thì từ đầu đến cuối đều nhép. Bởi nếu một người hát thật thì những ca sĩ còn lại sẽ bị "lộ" ngay, vì âm thanh giữa thật và "giả", sự luyến láy, hơi thở phát ra... của người hát thật và đĩa hát khá dễ nhận biết, như vậy thì không chỉ ca sĩ mà BTC cũng bị mang tiếng. Thế nên, thật trớ trêu khi luật thì cứ cấm mãi, còn ca sĩ thì cứ thoải mái hát nhép. Ngược lại, có ca sĩ lại phải năn nỉ để được... hát thật.

Phạt: Hãy đợi đấy!

Theo điều 33, khoản 2, điểm c NĐ 56 (2006), về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin, sẽ phạt tiền từ 2-5 triệu với những trường hợp dùng băng đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng của người biểu diễn. Nhưng thử hỏi đến nay các cơ quan quản lý, những đơn vị có thẩm quyền đã thu được bao nhiêu tiền phạt, đáng nói hơn là có được bao nhiêu người trong đội ngũ chịu trách nhiệm đi kiểm tra, phát hiện để mà phạt?

Cần phải nói thêm, chuyện hát nhép không chỉ riêng VN, mà nhiều nước khác cũng vẫn tồn tại, song đa số các trường hợp nhép đều không giấu diếm (thường trong show diễn riêng của các ca sĩ - đều đã nổi tiếng, với tiết mục cần đầu tư cho phần nhìn nhiều hơn), và được số đông khán giả đồng tình. Còn ở ta, hầu như các trường hợp hát nhép là vì ca sĩ còn yếu, muốn nổi tiếng trong khi thực lực chưa đủ, rồi ca sĩ hát nhép lẫn lộn giữa ca sĩ hát thật, nên khán giả khó chấp nhận. Nên, xem ra việc cấm chỉ trông chờ vào ý thức và lòng tự trọng nghề nghiệp của ca sĩ, còn nếu chờ phát hiện để phạt thì... hãy đợi đấy!

"Nếu phát hiện hát nhép sẽ đình chỉ chương trình"

"Nếu đơn vị tổ chức và ca sĩ nào có hành vi sử dụng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật khi biểu diễn sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Thanh tra Bộ VH-TT-DL cùng Sở VH-TT-DL của các địa phương trên toàn quốc có trách nhiệm kiểm tra và phát hiện trường hợp ca sĩ hát nhép trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật được cấp phép trên địa bàn. Thực tế, những nghệ sĩ tên tuổi càng lớn thì càng không có chuyện hát nhép.


Ảnh: TNO

Trong tất cả các chương trình ca múa nhạc do Sở VH-TT-DL TP.HCM duyệt cấp giấy phép biểu diễn thì nếu phát hiện có bất cứ trường hợp hát nhép nào sẽ đình chỉ chương trình. Người sản xuất, tổ chức chương trình cũng phải chịu trách nhiệm liên quan nếu ca sĩ trong chương trình đó bị phát hiện hát nhép. Vì thế, theo tôi cần chế tài mạnh cả người sản xuất và tổ chức chương trình ca nhạc may ra mới giảm bớt nạn hát nhép tràn lan như hiện nay". (Ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM)

(Đỗ Tuấn (ghi), TNO)

Vẫn có thể "du di"!

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Đình Thắng (ảnh) - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn và cấp phép băng đĩa, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL cho biết:

- Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có công văn yêu cầu các Sở VH-TT-DL địa phương phải lên kế hoạch cụ thể để chống hát nhép. Sắp tới sẽ có NĐ sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, trong đó cũng sẽ có khung hình phạt đối với việc dùng giọng hát thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn. Vấn đề chỉ là thực hiện thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm và xử lý sai phạm đến đâu.

Ảnh: TNO

Việc phát hiện sai phạm có thể do thanh tra các Sở VH-TT-DL địa phương tiến hành, nhưng cũng rất cần sự phối hợp, sự lên án hát nhép một cách mạnh mẽ từ các phóng viên báo chí và các khán giả. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là sự tự nhận thức, tự nâng cao đạo đức nghề nghiệp và ý thức tự trọng của từng nghệ sĩ.

* Thế nhưng, không phải lúc nào cơ quan chức năng và khán giả cũng dễ dàng phát hiện bởi nhiều ca sĩ đã "nhép" đến độ tinh vi, thuần thục, thưa ông?

- Đúng là ngay khi người ta đang biểu diễn trên sân khấu thì cũng khó phát hiện. Nhưng nếu phát hiện được thì cũng không thể yêu cầu phải dừng lại cả chương trình ngay ở thời điểm đó. Việc xử lý sai phạm sẽ phải tiến hành ở khâu hậu kiểm.

* Nếu có hiện tượng hát nhép trong các chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình nhưng nhà đài lại không tham gia vào việc tổ chức biểu diễn, mà chỉ làm nhiệm vụ tiếp sóng, thì người đứng đầu đài phát thanh, truyền hình có bị xử phạt hay không trong khi NĐ 103 không quy định điều này?

- Đây là việc cần phải bàn. Cũng như việc chương trình truyền hình trực tiếp đó có được sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật thu sẵn để đảm bảo chất lượng truyền hình hay không cũng cần được cân nhắc. Tôi lấy thí dụ, với dàn hợp xướng cả trăm người mà lại phải truyền hình trực tiếp thì việc đòi hỏi chất lượng âm thanh tốt, không gặp phải các sự cố khi biểu diễn ngoài trời là rất khó.

* Tức là, trong một số trường hợp thì vẫn có thể "du di" cho việc sử dụng giọng hát thu trong băng đĩa để thay cho giọng hát thật?

- Chống hát nhép chủ yếu là chống "nhép" ở các chương trình có ca sĩ hát đơn, các live show. Nhưng cũng có một vài cái "du di" đối với những chương trình đặc biệt. Trở lại ví dụ trên, trường hợp dàn hợp xướng phải truyền hình trực tiếp có thể "du di" nếu thấy hệ thống thiết bị âm thanh không cho phép, không đủ đảm bảo chất lượng biểu diễn ở ngoài trời.

(Y Nguyên, TNO)

Phạm Quỳnh Anh và “màu châu báu”

Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh vừa trở về Việt Nam sáng 28-12. Cô vẫn có phong thái giản dị và sự tinh tế không dễ gặp ở những nghệ sĩ cùng trang lứa. Mái tóc đã được cắt ngắn trẻ trung và năng động.

Phạm Quỳnh Anh trên đường phố Sài Gòn chiều 28-12 - Ảnh: TTO

Sau rất nhiều chờ đợi của người hâm mộ kể từ khi những ca từ và giai điệu đẹp cùng giọng hát thanh khiết của Bonjour Vietnam được biết đến năm 2006, Phạm Quỳnh Anh sẽ chính thức ra mắt khán giả trong chương trình Duyên dáng Việt Nam của báo Thanh Niên tại TP.HCM vào đêm cuối cùng trong năm 2009.

Ngoài Bonjour Vietnam, Phạm Quỳnh Anh sẽ biểu diễn I say gold (tạm dịch: Tôi nói đó là màu châu báu) - một thông điệp của người da vàng với thế giới. Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện ngay khi Phạm Quỳnh Anh vừa xuống sân bay và kết thúc buổi tập đầu tiên với ban nhạc và bạn diễn hôm 28-12.

* I say gold có giai điệu và tiết tấu nhanh hơn, nhưng cũng vẫn có những ca từ rất chắt lọc, tinh tế, giàu hình ảnh và cảm xúc. Bài hát đã ra đời như thế nào?

- Sau thành công của Bonjour Vietnam, tôi có kế hoạch ra album đầu tay. Trong album này, tôi muốn định vị con người mình, tôi là ai, tôi như thế nào. Với Bonjour Vietnam thì tôi xác định rõ tôi là người Việt Nam. Tôi muốn các nhạc sĩ viết thêm bài hát hướng tới cộng đồng lớn hơn, với thế giới. I say gold có nội dung cởi mở hơn so với Bonjour Vietnam. I say gold là một phần khác trong con người tôi.

* Vậy thông điệp của chị trong I say gold là gì?

- Bài hát đó là về tôi. Tôi trẻ. Tôi tự hào rằng một phần con người

Phạm Quỳnh Anh là sinh viên năm 3 chuyên ngành văn học Pháp và Tây Ban Nha. Cô sống tại Bỉ với cha là bác sĩ, mẹ là y tá, cùng em gái. Bernard Carbonez, người quản lý của cô, tiết lộ trong tương lai, với khả năng chơi guitar, cô sẽ xuất hiện cùng cây đàn và đó có thể là sự kết hợp tuyệt vời.
tôi thuộc về châu Á. Nhưng tôi không thể nói rằng tôi hoàn toàn châu Á, vì tôi cũng là người châu Âu. Khi ở Bỉ trông tôi khác mọi người, nhưng về Việt Nam tôi cũng thấy mình khác mọi người. Tôi nghĩ mình sẽ luôn như vậy. Giống mà không giống. Nhưng điều đó không khiến tôi buồn hay đau khổ. Ðôi khi cảm giác đó rất kỳ lạ.

Bài hát này không chỉ cho người Việt Nam, mà cho người da vàng nói chung ở các nơi khác trên thế giới. Tôi nghĩ họ hiểu cảm giác của tôi. Bài hát cũng dành cho mọi người, dù màu da nào cũng vậy: đừng kết luận vội vã qua màu da, hãy suy nghĩ và cảm nhận vẻ đẹp nằm sâu dưới lớp da đó.

* Chị đã cảm nhận và hát như thế nào?

- Khi hát I say gold, tôi thấy hạnh phúc vì là người châu Á. Ðó là một thông điệp rất lạc quan. Chúng ta khác nhau về màu da, về truyền thống, về văn hóa. Nhưng sự khác biệt đó không phải là xấu, mà chúng ta có thể chia sẻ với nhau để cùng sống tốt hơn, cho dù chúng ta là ai. Bài hát rất nên thơ và nhiều cảm xúc. Khi tôi hát, tâm hồn tôi hướng về tương lai, về phương Ðông.

* Có thông điệp chính trị nào trong ca khúc không, khi chúng ta đang chứng kiến một thập kỷ mới với trọng tâm thế giới dịch chuyển dần về châu Á?

- Tôi không thật sự am hiểu về chính trị và kinh tế. Tôi là người mộng mơ, nghệ sĩ, thích văn học và ca hát. Nhưng chắc chắn tôi không thích sự thống trị, lấn át. Tôi cho rằng trên trái đất ai cũng có chỗ của mình. Tôi không hiểu tại sao lại phải ép buộc người khác nghĩ theo suy nghĩ của mình. Nếu bạn có suy nghĩ của riêng mình, không sao, ngay cả khi tôi không đồng ý với suy nghĩ đó. Nhưng tôi không thích ép buộc người khác nghĩ theo mình, nghĩ như những gì mình tin.

Trong bài hát tôi không đề cập quyền lực hay chính trị. Nhưng thời nay, khi con người đã có những phương tiện liên kết nhanh và dễ dàng, sự thống trị và lấn át là cách suy nghĩ từ thời xưa. Chúng ta có thể khác biệt nhau nhưng rộng lòng, cảm thông với nhau, chấp nhận nhau sẽ tốt hơn.

* Vậy chị cảm nhận mình là người châu Á như thế nào?

- Tôi nghĩ mình cảm nhận được điều đó, nhưng rất khó để diễn giải và định nghĩa. Cảm giác đó rất khác biệt. Có lẽ vì chúng ta không thể giải thích được tất cả mọi điều một cách rõ ràng khiến cuộc sống của chúng ta thú vị hơn nhiều.

* Kế hoạch ca hát của chị?

- Tôi ưu tiên cho việc hoàn thành album năm 2010, với khoảng 12-13 bài tiếng Anh và tiếng Pháp. Hiện tôi đã có khoảng 40 bài hát viết cho riêng mình. Tôi cũng chưa biết sẽ có bài hát Việt hay không, nếu có bài mới dành riêng cho mình, thì có thể tôi sẽ hát. Những bài tiếng Việt tôi biết đều rất cổ, lời rất đẹp nhưng rất khó hát. Có rất nhiều nghệ sĩ đã hát rồi và tôi không muốn hát lại những bài cũ nữa.

* Chị mơ ước điều gì cho tương lai?

- Nếu giấc mơ thành sự thật, tôi chỉ muốn là ca sĩ. Nếu phải làm hai việc cùng lúc, tôi muốn làm trong lĩnh vực xuất bản hoặc tham gia lĩnh vực phim ảnh, như viết kịch bản chẳng hạn.

* Vừa đi học vừa đi diễn chắc chị rất bận. Có khi nào chị thấy quá mệt và căng thẳng?

- Quả là tôi phải làm nhiều việc, nhưng âm nhạc là niềm đam mê lớn nên tôi không thể bỏ nửa chừng. Ba mẹ tôi vẫn muốn tôi học xong đại học trước đã. Nhưng họ cũng thật sự ủng hộ tôi thực hiện đam mê của mình. Họ muốn tôi vui và hạnh phúc. Ðiều đó rất quan trọng và tôi thấy mình vô cùng may mắn khi có cha mẹ hiểu mình như vậy. Khi cất tiếng hát, tôi thấy mình hạnh phúc.

(Khổng Loan, TTO)

Lời bài hát I say gold

(tác giả: Marc Lavoine - Gunther Thomas - Wim Claes - Guy Balbaert)

[Lời 1]

1. Walking through the streets
Sometimes there’s a stranger in my town
Wait ‘til April and I meet
Wear my silken shirts and gowns

2. Karaoke I sing
Balance my yang with my yin
When I say I love to follow Eastern winds

3. [Điệp khúc]
You think yellow, I say gold
It’s the color of my real skin
I am young but I am told
That my history flows within

4. You think yellow, I say gold
Feel the current of Red river
Through my soul
You think yellow, I say gold

[Lời 2]

5. Draw my thoughts in China ink
On my paper made of rice
I am shy in the begin
When a boy gives me the eye

(Lặp lại 2.
Lặp lại 3)

6. Oh Red river takes me home
Feel the current through my soul

(Lặp lại 3)

You think yellow...

(Lặp lại 3)

You think yellow, I say gold...
Flow Red river through my soul...
Oh, Red river takes me home...

Phạm Quỳnh Anh đã chọn áo dài với họa tiết lá tre khi lần đầu
về Việt Nam biểu diễn cho một nhóm khách đặc biệt tại
TP.HCM ngày 14-11-2008 - Ảnh: T.T.D.

Lời Việt (tạm dịch):

Tôi nói đó màu châu báu

[Lời 1]

Đôi khi trên đường phố tôi
Chợt gặp người lạ qua đường
Đợi đến tháng 4 (*)
Người đó mặc chiếc áo lụa và áo dài
Tôi hát karaoke
Cân bằng âm dương
Khi tôi nói tôi thích theo những ngọn gió phương Đông

[Điệp khúc]

Bạn nghĩ màu vàng, tôi nói đó là màu châu báu
Đó mới là màu thật của da tôi
Tôi còn trẻ, nhưng tôi biết rằng
Dòng lịch sử chảy trong tôi
Bạn nghĩ là màu vàng, tôi nói đó là màu châu báu
Tôi cảm nhận được sông Hồng
Chảy trong tâm hồn tôi
Bạn nghĩ là màu vàng, tôi nói đó là màu châu báu

[Lời 2]

Tôi vẽ suy nghĩ bằng mực tàu
Trên giấy bổi
Tôi e lệ khi chàng trai liếc mắt nhìn
Ôi sông Hồng đưa tôi về quê hương
Cảm nhận dòng chảy trong hồn tôi
Bạn nghĩ đó là màu vàng ...
Bạn nghĩ là màu vàng, tôi nói đó là màu châu báu
Sông Hồng chảy trong hồn tôi
Ôi sông Hồng đưa tôi về quê hương...

(*) Tháng 4 là khi thời tiết đẹp ở châu Âu